“Thói xấu lớn nhất của người Việt là rất sợ nói về thói xấu của mình”, nhà nghiên cứu - nhà phê bình Vương Trí Nhàn từng đúc kết. Nếu bạn là độc giả trung thành của Thể thao & Văn hoá, hẳn đã từng đọc rất nhiều các bài báo - cuốn sách, nói về “thói hư tật xấu của người Việt Nam” của nhà phê bình Vương Trí Nhàn được đăng tải và phát hành. Với sân cỏ nội, mà sàn diễn đỉnh cao nhất là V-League, cũng không hiếm lần được lên báo Tây, được các nhân vật cỡ bự trong thế giới bóng đá như Jose Mourinho nhắc đến, chỉ vì các tật xấu khó bỏ.
Thách bạn có thể mất cả ngày cũng không nhặt hết sạn V-League, bởi nó len lỏi ở mọi ngõ ngách trận đấu, với đầy đủ hỉ - nộ - ái - ố, chẳng tình huống nào giống tình huống nào, dù thoạt nhìn, nó na ná nhau. Một trong những dị tật lớn nhất của các giải đấu, từ khâu điều hành đến đội ngũ những người tham gia cuộc chơi, đấy là thói bao che. Việc một ông chủ hay HLV lên tiếng bảo vệ cầu thủ của mình, là chuyện đương nhiên phải làm, nhưng nếu không cẩn thận, nó cũng dễ bị hiểu là một hành động bao che cho cái xấu. Ví như các ý kiến khiếu nại sau mỗi án phạt.
Soi lại các tình huống của riêng trận đấu TP.HCM – FLC Thanh Hoá ở vòng 15 vừa qua, có thể thấy trọng tài Nguyễn Trung Kiên (B) đã bỏ qua rất nhiều lỗi. Pha phạm lỗi khi tranh chấp của đội trưởng Pape Omar bên phía FLC Thanh Hoá với Vũ Quang Nam của đội chủ nhà, phút thứ 53, là điều bình thường trong một trận đấu, nhưng hành động cố tình giẫm gầm giầy lên tay tiền vệ đội chủ nhà của Omar, xứng đáng phải nhận thẻ đỏ trực tiếp, thay vì chỉ có thẻ vàng được rút ra. Pape Omar quá nhẵn mặt với án kỷ luật và dường như tiền vệ này đã "lờn thuốc".
Hồi đầu mùa giải năm nay, Pape Omar đã bị phạt 30 triệu đồng và treo giò 8 trận vì tát thẳng vào mặt trung vệ đội trưởng Trần Văn Vũ của S.Khánh Hòa BVN. Omar được giảm án 2 trận sau đó, sau khi các ông chủ của FLC Thanh Hoá khiếu nại và doạ bỏ giải, đồng thời vin vào án của Hoàng Vũ Samson (Hà Nội FC, chỉ bị phạt nguội cấm 2 trận sau hành động đạp vào người Châu Ngọc Quang của HAGL). Trên thực tế, “đồng phạm” của Samson phải bao gồm cả hậu vệ trẻ Trần Văn Kiên, nhưng Kiên đã thoát án. Vừa rồi đến vụ Sầm Ngọc Đức…
“Sông Mã dậy sóng giữa lòng Sài thành”, “Hào khí Lam Sơn”, “Cơn lốc vàng” xứ Thanh…, những băng rôn rộn ràng một góc khán đài sân Thống Nhất để tiếp sức cho thầy trò Petrovic đã không trọn vẹn như kỳ vọng.
Việc các trọng tài không đủ thể lực, năng lực cũng như kinh nghiệm quan sát còn yếu…, để theo kịp các tình huống bóng, đã được chỉ ra sau các đợt tập huấn và mới nhất, một số các tay còi vàng từng dán nhãn FIFA, cũng bị đào thải. Nhưng nó khác với việc “vua áo đen” cố tình lơ đi các tình huống phải ăn thẻ. Các báo cáo của giám sát, vì nhiều lý do, cũng không đầy đủ, giúp cầu thủ và đội bóng thoát án. Đó đồng thời còn là hành vi cổ suý cho bạo lực lên ngôi, khiến cho V-League càng ngày càng xấu xí. Đừng nghĩ đại, bóng đá là thế, hay cuộc chơi là thế.
Hành động bạo lực hay các biểu hiện bạo lực, không đồng nghĩa với sự quyết liệt và chừng nào những người làm bóng đá còn dung túng, giải đấu càng bung bét. Cú lao người dùng gầm giầy nhằm thẳng chân trung vệ Hữu Tuấn (TP.HCM) của Trọng Hoàng (FLC Thanh Hoá), cũng trong hiệp nhì, hoàn toàn không là biểu hiện của sự quyết liệt, dù quyết liệt vốn là thuộc tính trong lối chơi của tiền vệ người Nghệ An.
Theo TT&VH