Khi số lượng ngoại binh được đăng ký ở V-League bị giới hạn, các ông “Tây” đá bóng cũng trở về đúng với giá trị thực của họ. Ngoại binh không còn là “hơi thở” của các đội bóng mà giờ đây, thậm chí, họ còn là gánh nặng.
HAGL có thể vô địch V.League, tin nổi không?Nhìn lại công tác lượt đi V.League 2017: Bóng đá nào trọng tài nấyTrọng tài V.League và những 'cú phốt'
Giá trị thực của ngoại binh
Kết thúc giai đoạn 1 Toyota V-League 2017, đã có tổng số 230 bàn thắng được ghi. Trong đó, số bàn thắng ghi được của các ngoại binh là 85, chiếm 37%. Cùng thời điểm này mùa giải trước, các ngoại binh đã ghi đến 111 bàn trong tổng số 257 bàn thắng sau 13 vòng đấu, chiếm tỷ lệ 43%. Con số bàn thắng của các cầu thủ nhập tịch được tính cho nội binh. Dẫn đầu danh sách ghi bàn sau lượt đi của V-League 2017 là chân sút nội Anh Đức với 8 bàn.
Sự giảm sút về số lượng bàn thắng phần nào là hình ảnh thu nhỏ của các ngoại binh. Cách đây khoảng 5 năm, ngoại binh là “xương sống” của các đội bóng với mức thu nhập cao ngất ngưởng. Còn hiện nay, chỉ cần lót tay khoảng 5.000-6.000 USD là các đội bóng đã sở hữu cho mình một cầu thủ không phải quốc tịch Việt Nam với giá trị giảm gần một nửa so với thời kỳ hoàng kim.
Nhiều đội bóng cũng bắt đầu hạn chế tầm ảnh hưởng của ngoại binh. HAGL không mấy mặn mà mua “Tây” và họ kiên trì với phương châm “cây nhà lá vườn”, tạo điều kiện tối đa cho các cầu thủ nội ở hàng công.
SLNA, B.Bình Dương vốn là nơi “đất lành” để các ngoại binh “đậu” thì nay cũng bắt đầu thay đổi theo chiều ngược lại. Đội bóng xứ Nghệ buộc phải thanh lý sớm Henry, còn ngoại binh của B.Bình Dương là một dấu hỏi lớn. Bộ đôi Dugary và Sunday chỉ ghi bằng một nửa số bàn thắng của một mình Anh Đức.
Trong khi đó, HLV Lê Huỳnh Đức liên tục ca thán về sự thiếu hiệu quả của Eydison. Những đội bóng như Hà Nội, Than Quảng Ninh, Quảng Nam đều đi lên nhờ tiềm lực của các nội binh.
“Đất sống” ở V-League đang ngày càng thu hẹp và giá trị của ngoại binh cũng thực hơn với chất lượng của họ. Để tìm một ngoại binh ở V-League có tầm ảnh hưởng, chất lượng và mang tính biểu tượng như Merlo của SHB Đà Nẵng, Kesley Alves của B.Bình Dương, Leandro (Hải Phòng), Evaldo (HAGL) hay Fabio dos Santos (Long An)… trước đây là một điều hiếm thấy. Và ngoại binh đang trở về với giá trị thực của họ, ở thời buổi mà V-League chưa bị chi phối mạnh bởi kim tiền.
Vì đâu nên nỗi?
Để lý giải cho chất lượng sa sút của các ngoại binh, HLV Võ Đình Tân của S.Khánh Hòa BVN chia sẻ: “Bóng đá bây giờ không còn riêng lẻ một vài người hay một vài vị trí nữa mà là sự tổng hòa của cả tập thể, tư duy chiến thuật đa dạng, tốt hơn. Từ đó, các cầu thủ nội cũng biết cách để khắc chế các ngoại binh. Họ đã có sự tiến bộ vượt bậc.
Việc tiền đạo Anh Đức của B.Bình Dương đang dẫn đầu danh sách Vua phá lưới V-League 2017 đồng nghĩa với việc chất lượng ngoại binh mùa giải này không cao như những năm trước...
Kinh phí ở V-League cũng không bằng các giải đấu khác như Thái Lan, Indonesia, Malaysia; thậm chí các quốc gia như Myanmar, Lào, Campuchia thì giải vô địch quốc gia của họ cũng đã sử dụng nhiều ngoại binh.
Số lượng ngoại binh của các giải đấu khác cũng đông hơn, nên cầu thủ ngoại không bị áp lực, còn ở Việt Nam, với chỉ 2 suất nên xác suất trụ lại thấp hơn, áp lực cao hơn nên họ không coi Việt Nam như thiên đường. Từ đó, các CLB cũng khó khăn trong việc chọn lựa.”
Theo ông Tân, ở đầu mùa giải, việc tuyển mộ ngoại binh đã khó thì giữa mùa, công cuộc tuyển chọn chẳng khác nào “đãi cát tìm vàng”. “Thời điểm này kiếm rất khó bởi đa số ngoại binh tốt đã ở lại với CLB. Và ngoại binh ở V-League giai đoạn 1 cũng không quá nổi bật”, HLV Võ Đình Tân chia sẻ.
Trong khi đó, HLV Phan Thanh Hùng của Than Quảng Ninh cho rằng: “Tùy từng đội bóng để nói đến câu chuyện chất lượng của các ngoại binh. Tuy nhiên, xét tổng thể, chất lượng ngoại binh ở Việt Nam không tốt bằng ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia. Đơn giản, vì điều kiện ở các nước này tốt hơn nên họ tìm về.”
Theo TT&VH