Cơn đau đầu kinh niên

02-05-2017 10:48 AM 


Có đến gần 2 tháng tuyển chọn ngoại binh thay thế giữa mùa nhưng xem ra, để các CLB kiếm được “lính đánh thuê” có chất lượng là không dễ.

Thất vọng tân binh 

Được kỳ vọng sẽ “gánh đội” nhưng kết thúc lượt đi, nhiều ngoại binh dường như trở thành gánh nặng, trở thành cơn đau đầu thực sự của các HLV. Số tiền cả lương lẫn lót tay bỏ ra để chiêu dụ lực lượng “lính đánh thuê” này không phải là ít nhưng chất lượng lại không tương xứng. Nói cách khác, nhiều cầu thủ ngoại không xứng với “đồng tiền bát gạo” các đội bỏ ra để có họ. Có thể kể ra rất nhiều cái tên như Olaha (SLNA), Dugary, Sunday (B.BD), Dyachenko (TP.HCM), Apollon (Long An), Henry (XSKT.CT), Eydison (SHB.ĐN)… Chơi ở vị trí tiền đạo nhưng chỉ ghi được vài ba bàn sau 13 vòng đấu thì quả thật là con số thảm hại với các ngoại binh nói trên. Điều đáng tiếc là trước sự yếu kém của các ngoại binh, một số HLV lại không dám cất họ trên băng ghế dự bị để tạo cơ hội cho các cầu thủ nội, dù ngay cả những “lính đánh thuê” này cũng có một số người xin ngồi ngoài vì cảm thấy chuyên môn không đủ đáp ứng. 

Nhìn tổng thể về chất lượng ngoại binh sau lượt đi có thể thấy, nhu cầu thay thế ở các đội giữa giai đoạn không phải là ít. Nhưng có thực tế là một số đội không mặn mà thay đổi bởi có thể rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” dù không hẳn hài lòng với cầu thủ đang có. Lý do là trình độ chuyên môn của những ngoại binh mới đến thử việc đang có xu hướng đi xuống nên các đội ngại mất công, phải tốn tiền nếu chẳng may gặp phải những cầu thủ có trình độ không khá hơn những gương mặt cũ. Thực tế có thể thấy, không nhiều cầu thủ mới đến hồi đầu V.League 2017 gây ấn tượng. Đơn cử như Apollon (Long An), Dugary (B.BD), Ramon (Than.QN), Henry (SLNA)… đều chơi rất mờ nhạt. Họ đã bị thanh lý hợp đồng chỉ sau nửa mùa giải. 

Khó tìm được ngoại binh giỏi 

Theo lý giải, nguyên nhân khiến ngoại binh đến Việt Nam không có chuyên môn tốt, ngoài lực cản về tài chính còn xuất phát từ người làm môi giới. Đa phần lực lượng làm công tác trung gian ở V.League đều không chuyên, có công việc khác như du lịch, ngân hàng và thậm chí là trợ lý phiên dịch ở các CLB... Đặc biệt, họ gần như không có quan hệ tốt với các “cò” chuyên nghiệp quốc tế uy tín nên không có “đầu vào” tốt. Các cầu thủ họ đưa về Việt Nam đều không được thẩm định năng lực trước mà chỉ thông qua những clip quảng cáo cắt ghép, những dòng chữ ghi trên giấy vốn rất dễ chỉnh sửa cho đẹp và hoành tráng. Với “đầu vào” như thế thì dự báo, chất lượng của cầu thủ ngoại đến thử việc trong thời gian tới vẫn không cao.

Hồi đầu V.League 2017, một nhà môi giới đã mang cả một CLB ở châu Phi sang Việt Nam chào hàng. Nhưng khi quá trình tuyển mộ ngoại binh của các đội kết thúc cũng là lúc, cả đội bóng ấy phải lên đường về nước bởi không có cầu thủ nào được các CLB ký hợp đồng, khiến nhà môi giới ấy lỗ nặng. Nhưng có một thực tế là thông thường, các nhà môi giới khá hạn chế đưa cầu thủ sang thử việc ở các đội vào giữa giai đoạn. Bởi như thừa nhận của các nhà môi giới, tỷ lệ chuyển nhượng cầu thủ thành công ở giữa mùa là không cao như đầu mùa. Khi chất lượng ngoại binh đến thử việc thấp lại dự báo không nhiều thì hy vọng để các HLV có thể tìm được cầu thủ ngoại giỏi cho giai đoạn 2 là không cao.
 
Nhu cầu tìm ngoại binh của các đội: 
- SLNA: 1 suất
- Than.QN: 2 suất
- Long An: 1 suất
- TP.HCM: 1 suất 
- HAGL: 1 suất 

Theo Bongdaplus