5 bí kíp giúp khán giả trở lại V-League

02-05-2017 12:59 PM 


Hà Nội FC là đương kim vô địch V-League, nhưng khán đài SVĐ Hàng Đẫy thuờng xuyên chỉ hoạt động hết 10% công suất. Đó không phải là chuyện riêng của Hà Nội FC, đó là chuyện của tất cả các đội bóng chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Bundesliga (Giải VĐQG Đức) vô địch thế giới về số khán giả trung bình trong một trận đấu. Họ làm được điều đó nhờ định hình một phong cách chơi bóng đề cao tính giải trí và quan trọng hơn, họ đặc biệt chú trọng đến những tiện ích tại SVĐ. “Khán giả cảm thấy thoải mái như ở nhà” là mấu chốt của vấn đề.
Trở lại với V-League, phong cách chơi bóng là vấn đề dài hạn, không thể thay đổi chỉ sau một vài mùa giải. Các CLB tại V-League có thể chi hàng tỷ đồng cho chuyển nhượng thì cũng có thể dành ra được một khoản tiền kha khá để nâng cấp sân nhà của đội bóng và cải thiện 5 vấn đề sau đây.

1. Vé và ghế ngồi
Hầu hết các CLB tại V-League vẫn áp dụng hình thức bán vé trực tiếp trước cổng SVĐ và kéo theo những “dân phe” đầy phiền toái. Hình thức bán vé online thì hoàn toàn bị bỏ quên. Bên cạnh đó, họ có thể làm theo CLB TPHCM với việc phát hành vé cả mùa. Trong hình dáng như một chiếc thẻ ATM tiện lợi, CĐV còn có thể nhận được những ưu đãi như quà tặng, giảm giá vé,…
Yếu tố ghế ngồi cũng cần được chú trọng. Nhiều SVĐ như Lạch Tray, Hàng Đẫy,… có nhiều ghế đã hỏng hóc. Thậm chí, nhiều khán giả còn phản ánh về những hàng ghế bám đầy bụi không ai lau và điều ấy khiến họ không muốn bỏ ra 30.000đ – 50.000đ mua vé vào sân.

2. Chỗ gửi phương tiện giao thông cá nhân
Vấn đề này gây khó chịu nhiều nhất ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM. Việc phải trả một số tiền quá lớn, vượt quy định cho phép sẽ khiến buổi đi xem bóng đá mất vui. SVĐ Hàng Đẫy là một ví dụ khi xây dựng trong nội thành và rất thiếu chỗ để phương tiện giao thông.

Chưa nói đến ô tô, khán giả phải gửi xe máy ở những địa điểm trông giữ tự phát với số tiền có khi bằng một nửa giá vé vào sân. Sự bất cập ấy nằm ở việc xây dựng một SVĐ nhưng không tính đến những dịch vụ kèm theo như trông giữ xe từ quá khứ. Khi chưa vào sân, khán giả đã thiếu sự thoải mái thì thật khó để họ muốn trở lại sân một lần nữa.

3. Nhà vệ sinh 
Cựu tiền đạo Lê Công Vinh lên làm quyền chủ tịch TPHCM, điều đầu tiên anh muốn cải thiện là phòng thay đồ và nhà vệ sinh trong SVĐ Thống Nhất. Có lẽ, lần đầu tiên một tiện ích công cộng được một lãnh đạo đội bóng chú ý đến.
Vấn đề Công Vinh đề cập đến tưởng là một chuyện nhỏ nhưng không phải CLB nào ở V-League cũng giải quyết triệt để. Không cần đến những người khó tính, một nhà vệ sinh bẩn cũng khiến bất cứ ai xuất hiện cái nhìn xấu về đội chủ nhà.

4. Đồ ăn nhanh 
Các CLB thiếu sự chú ý về việc tạo ra những gian hàng bán đồ ăn, nước uống ngay trong sân và quên rằng đó cũng là cách thức để đem lại thu nhập cho đội. Nếu có thì là những gian hàng của người dân bán với giá đắt hơn thị trường. Khán giả không chỉ đến sân theo dõi bóng đá, giống như xem phim, họ cũng cần có đồ ăn và nước uống để tiếp năng lượng sau một ngày làm việc và thêm động lực cổ vũ.
Liên đoàn bóng đá châu Âu từng đưa ra khảo sát về những đồ ăn nhanh được ưa thích nhất trong các SVĐ tại mỗi quốc gia vào năm 2015. Đó không phải một khảo sát cho vui mà là cách nắm bắt được thị hiếu từ người hâm mộ. 

5. Thái độ chăm sóc khách hàng
Một trận đấu bóng đá là sản phẩm giải trí thì khán giả cũng là một khách hàng. Đó có thể là thái độ của nhân viên an ninh, nhân viên bán vé hoặc của chính các thành viên trong đội bóng. Các CLB đã quan tâm đến việc tiến đến khán đài và cảm ơn khán giả sau mỗi trận đấu. Tuy nhiên, thái độ của nhân viên tổ chức, đặc biệt là nhân viên an ninh khiến nhiều khán giả và cả các phóng viên cảm thấy chưa hài lòng.
Đội bóng nào cũng muốn khán giả đến sân đông hơn nhưng cho đến thời điểm hiện tại chỉ có TPHCM, HAGL hay phần nào là SHB Đà Nẵng, Hà Nội FC cho thấy phần nào tham vọng của mình với khán giả. 

Theo TT&VH