HLV Wenger và Pep Guardiola có thể đang thất thế nhưng họ đại diện cho hai thế hệ với những cuộc cách mạng bóng đá Anh.
Arsene Wenger - Người giúp bóng đá Anh sang trang mới
Pep Guardiola từng chia sẻ: “Tôi thích cách HLV Wenger làm bóng đá, cách ông ấy xây dựng đội hình, mua cầu thủ cũng như cách Arsenal thi đấu”. Ở thời điểm này, khi chứng kiến Wenger thất thế, người ta có thể cười nhạo quan điểm của Pep Guardiola. Thế nhưng, hẳn nhiều người đã quên những gì mà HLV Wenger làm được trong vòng 20 năm qua.
Nhà báo Gabriele Marcotti cho rằng HLV Wenger là nhà cách mạng thực sự, người ta giúp lịch sử Premier League sang trang mới. Ở thời điểm trước khi “Giáo sư” xuất hiện, bóng đá Anh vẫn nằm trong “bóng tối”. Đó là thời điểm mà Gabriele Marcotti mô tả: “Người Anh đã quen với văn hóa rượu chè. Họ nhậu nhẹt bí tỉ sau mỗi trận đấu và ăn uống thiếu khoa học”.
HLV Wenger đã tới và thay đổi tất cả. Ông đã giảng giải về bốn lợi ích của việc ăn uống điều độ, không rượu chè trước khi đi ngủ. Ông áp dụng khoa học vào trong những buổi tập của CLB, để giúp cầu thủ cải thiện sức mạnh, tính chiến thuật…
Khi “Giáo sư” bước chân vào thảm cỏ Highbury, Arsenal nằm ở nhóm trung bình ở Premier League. Đội hình của CLB gồm hơn một nửa cựu binh và chỉ có Dennis Bergkamp là người nước ngoài. Trong bối cảnh đó, HLV Wenger đã “cải tạo” CLB bằng việc mua thêm những cầu thủ nước ngoài (vì cầu thủ Anh không đạt tiêu chuẩn). Nicolas Anelka, Patrick Vieira chính là những người đầu tiên theo chân HLV Wenger tới Highbury. Và rồi, những mùa giải sau đó, ông đã đưa về thêm Emmanuel Petit, Marc Overmars, Thierry Henry, Wiltord… để dần hoàn thiện thế hệ vàng đầu tiên của mình.
Một dấu ấn khác của HLV Wenger là việc xây dựng hệ thống đào tạo trẻ khoa học (điều bóng đá Anh không chú ý nhiều trước đó). Fabregas, Ramsey, Coquelin… là những trái ngọt tiêu biểu mà “Giáo sư” đã thu hoạch nhờ kế hoạch này.
Cuối cùng, lối chơi của Wenger cũng mang tính cách mạng. Trước đây, bóng đá Anh thi đấu khá đơn giản, ít tính chiến thuật. Họ nổi tiếng với lối chơi “kick&run” (chủ yếu chơi bóng dài, dựa sức mạnh của các cầu thủ). Tuy nhiên, tư duy ấy đã dần thay đổi khi “Giáo sư” mang lối chơi đập nhả đẹp mê hồn tới nước Anh. Lối chơi bóng ngắn của Wenger thực sự khiến người Anh “mở rộng tầm mắt”. Thành công rực rỡ nhất của “Giáo sư” chính là chức vô địch Premier League với thành tích bất bại trong mùa giải 2003/04.
Tất nhiên, giờ đây, HLV Wenger đã trở thành người “cổ hủ” nhưng ít nhất, vị “Giáo sư” kính cận ấy từng là người hùng. Những người Anh từng nhìn vào cặp mắt kính của Wenger với sự nghi ngờ nhưng tất cả đã bị thuyết phục.
Pep Guardiola và cuộc cách mạng mới
Pep Guardiola tới trong giai đoạn bóng đá Anh đã ổn định hơn. Nó không còn hoang phế như thời điểm Wenger tới làm việc. Thậm chí, giờ đây, Premier League trở thành giải đấu số 1 thế giới, với doanh thu khổng lồ.
Nhưng Pep Guardiola vẫn được ví như nhà cách mạng. Lần đầu tiên trong lịch sử, người Anh thấy thủ môn phải chơi chân giỏi. Những trung vệ phải tham gia vào quá trình điều phối bóng… Lối chơi pressing của Pep Guardiola yêu cầu mọi cầu thủ phải tham gia vào khâu phòng ngự, lẫn tấn công.
Chứng kiến sự lóng ngóng (về chơi bóng lẫn tư duy chiến thuật) của các cầu thủ Man City ở mùa giải này, người ta mới thấy rằng tư duy của Pep Guardiola không dễ dàng lĩnh hội. Do đó, việc ông không thể giành chức vô địch Premier League ngay ở mùa giải đầu tiên là điều dễ hiểu. Ngay cả Wenger cũng phải đợi tới mùa giải thứ 2 ở Arsenal mới có thể bước lên đỉnh vinh quang.
Rõ ràng, sự xuất hiện của Pep Guardiola đã thực sự mang tới nét mới trong chiến thuật. Người Anh sẽ hưởng lợi nhiều từ điều đó (thực tế, đội tuyển Anh cũng hưởng lợi vì chiến thuật này).
Bên cạnh đó, so với Wenger ngày xưa, Pep Guardiola còn yêu cầu cao hơn về tính chuyên nghiệp, chế độ ăn uống, tập luyện của các cầu thủ. Thậm chí, ngay cả những nhân viên làm việc ở Man City cũng bị cấm ăn socola hay thức ăn nhanh. Bởi lẽ, Pep Guardiola muốn xây dựng một đội bóng khỏe mạnh.
Ông thày người Tây Ban Nha là đại diện của tầng lớp cấp tiến trong giới HLV. Ông không ngừng thay đổi, học hỏi từng ngày để mang tới ý tưởng mới. Người ta thấy hình ảnh của Wenger năm xưa ở Pep Guardiola hiện nay.
Trong bóng đá, chuyện thắng thua, vinh quang, tủi nhục là thường tình. Nhưng người ta cần những nhà cách mạng như Pep Guardiola, Wenger để làm thay đổi nền bóng đá.
Theo Dân Trí