Chuyện cầu thủ ngoại trốn thuế ở La Liga xảy ra như cơm bữa, gần đây nhất là những lùm xùm quanh 2 siêu sao Messi và Ronaldo. Nguyên do bắt nguồn từ việc chính phủ Tây Ban Nha đánh thuế thu nhập cá nhân rất cao, lên đến 47% đối với những lao động nước ngoài có thu nhập từ 600.000 euro/năm trở lên.
Vì đâu La Liga nhức nhối nạn trốn thuế?
Những ngày Hè này, bóng đá thế giới trở nên nóng bỏng quanh scandal trốn thuế của 2 cầu thủ xuất sắc nhất hiện nay. Tiền đạo lừng danh Lionel Messi của Barca và ĐT Argentina đã bị tòa án Tây Ban Nha kết án 21 tháng tù treo sau khi anh bị buộc tội trốn khoản thuế thu nhập lên đến 4,1 triệu euro. Chỉ ít ngày sau, đến lượt chân sút Cristiano Ronaldo của Real Madrid và ĐT Bồ Đào Nha bị cáo buộc trốn khoản thuế thu nhập cá nhân còn cao gấp đôi so với Messi.
Ở Tây Ban Nha, việc cầu thủ bị phát hiện trốn thuế là “chuyện thường ngày ở huyện”. Trước Messi và Ronaldo, rất nhiều cầu thủ tên tuổi cũng đã bị cơ quan thuế vụ “sờ gáy”. Có thể kể đến một loạt cầu thủ đã và đang thi đấu ở La Liga như Radamel Falcao, Javier Mascherano, Angel Di Maria, Dani Alves, Fabio Coentrao... Trong đó, Di Maria từng chấp nhận hoàn lại 2 triệu euro để tránh khỏi phải “bóc lịch” 16 tháng.
Sở dĩ các ngôi sao ở La Liga liên tục bị phát hiện trốn thuế bởi mức áp thuế thu nhập cá nhân đánh vào các cầu thủ ngoại đang chơi bóng ở Tây Ban Nha là quá cao. Cụ thể theo quy định từ năm 2010, những cầu thủ nước ngoài có thu nhập từ 600.000 euro/năm trở lên sẽ phải chịu mức thuế thu nhập 47%. Để đối phó, những ngôi sao tại La Liga thường tìm kiếm một công ty trung gian ở bên ngoài biên giới Tây Ban Nha nhằm giúp họ khai man thu nhập nhằm giảm thiểu số tiền phải nộp cho sở thuế.
Xét ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, không ở đâu áp thuế thu nhập cá nhân với cầu thủ ngoại cao như ở Tây Ban Nha. Tại Đức, Pháp và Anh, “lính đánh thuê” chỉ phải chịu mức thuế 45%. Ở Italia, để thu hút trở lại Serie A các ngôi sao người nước ngoài, chính phủ nước này chỉ áp mức thuế thu nhập từ 38% đến 43%.
Trong quá khứ, La Liga từng được xem là thiên đường đối với các cầu thủ ngoại. Bởi khi đó, “luật Beckham” (ra đời năm 2004 sau sự kiện David Backham chuyển tới Real) giúp các ngôi sao nước ngoài chỉ phải chịu mức thuế thu nhập 24%. Tuy nhiên đến năm 2010, luật này đã bị dỡ bỏ, khiến các ngôi sao ngoại phải trả số tiền thuế gần gấp đôi. Không chấp nhận thực tế đó, trong vòng 7 năm qua, rất nhiều cầu thủ đã thay nhau lách luật để trốn thuế.
Việc bị chính phủ Tây Ban Nha đánh thuế thu nhập cá nhân quá cao đã khiến nhiều ngôi sao không còn mặn mà với La Liga và tìm cách chuyển sang thi đấu tại các giải VĐQG khác. Điển hình là trường hợp tiền đạo Radamel Falcao trong vụ gia nhập Monaco vào Hè năm 2013. Đang là chân sút đình đám ở châu Âu trong màu áo của Atletico, tuyển thủ Colombia quyết định ký hợp đồng với đội bóng công quốc, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là ở Monaco, các cầu thủ ngoại không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
M-S-N, bộ ba... trốn thuế
M-S-N không chỉ nổi danh bởi tài chơi bóng mà còn cả tài…trốn thuế. Messi từng dính 21 án tù treo vì trốn 4,1 triệu euro tiền thuế. Luis Suarez cũng bị cáo buộc thành lập công ty ở thiên đường thuế Panama nhằm trốn thuế những khoản thu nhập liên quan đến bản quyền hình ảnh. Trong khi đó, Neymar đang đối mặt án tù 2 năm cũng vì tội danh trốn thuế, liên quan đến những mập mờ tài chính trong vụ chuyển nhượng tiền đạo người Brazil từ Santos tới Barca vào năm 2013.
*Top 5 trường hợp trốn thuế ở La Liga
Jose Mourinho
Mourinho bị cáo buộc trốn thuế ở Tây Ban Nha. Đây là giai đoạn Mourinho còn dẫn dắt Real, thời điểm nhà cầm quân người Bồ Đào Nha bị nghi ngờ đã hai lần trốn đóng thuế bản quyền hình ảnh. Lần đầu tiên diễn ra năm 2011 với số tiền 1,6 triệu euro và lần thứ hai diễn ra một năm sau đó với số tiền 1,7 triệu euro.
Lionel Messi
Bị kết tội trốn thuế bản quyền hình ảnh giai đoạn 2007-2009 với số tiền là 4,1 triệu euro. Theo đó, Messi nhận án tù 21 tháng, nộp phạt tổng cộng 3,5 triệu euro. Do án phạt có thời hạn dưới 2 năm và không phải án hình sự nên theo quy định của luật pháp Tây Ban Nha, Leo chi thêm 500.000 euro tiền phạt để được hưởng án treo.
Cristiano Ronaldo
Ronaldo cũng bị cáo buộc trốn thuế 14,7 triệu euro từ năm 2011 đến 2014. Ngày 30/7 tới đây, Ronaldo sẽ phải hầu tòa để giải trình. Chính vụ lùm xùm này đã khiến CR7 cảm thấy rất buồn khi Real Madrid không có động thái chia sẻ khiến anh nảy sinh ý định chia tay Los Blancos.
Javier Mascherano
7 năm thi đấu ở Tây Ban Nha kể từ khi chia tay Liverpool mang đến cho Mascherano nhiều vinh quang nhưng cũng không ít chuyện buồn, đặc biệt là vụ bị phát hiện trốn thuế bản quyền hình ảnh 2011-2012 với số tiền 1,5 triệu euro. Mascherano đã thừa nhận trốn thuế, chủ động nộp tiền thuế nên chỉ nhận án 1 năm tù treo và phạt hành chính 700.000 euro.
Angel Di Maria
Di Maria bị tố trốn thuế 1,3 triệu euro trong 2 năm 2012 và 2013, khoảng thời gian khoác áo Real Madrid. Và trong phiên tòa mới đây, tiền vệ người Argentina đã thừa nhận hành vi phạm pháp. Vì vậy, tòa án Tối cao Tây Ban Nha đã tuyên án 1 năm tù và nộp phạt 2 triệu euro. Tất nhiên, vì án dưới 2 năm, Di Maria chỉ bị tù treo.